Tất cả bài viết

Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

      Nhật Bản ngày nay là một trong những nước hiện đại hoá và công nghiệp hoá hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử, Nhật Bản đã duy trì chính sách tự cô lập trong vài thế ki, vì vậy, cho tới giữa thế ki XIX, đất nước này vẫn hầu như không có mối liên hệ nào với thế giới phương Tây.
      Từ thế kỉ thứ V, Nhật Bản bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, khởi đầu là chữ viết, rồi đến tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật và cả pháp luật. Những đạo luật đầu tiên được ban hành ở Nhật Bản được xây dựng trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, vì vậy có rất nhiều điểm tương đồng với các đạo luật triều nhà Đường ở Trung Quốc (từ năm 618 – 907). Thậm chí người Nhật còn tổ chức lại Nhà nước theo mô hình nhà nước phong kiến Trung Quốc.

Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật Nhật Bản

     Trong giai đoạn từ thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XIX, Nhật Bản đã duy trì chính sách bế quan tỏa cảng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, tuy nhiên chính sách này không áp dụng đối với Trung Quốc (quốc gia vốn đã có quan hệ thương mại lâu đời với Nhật Bản) và Hà Lan. Riêng đối với người Hà Lan, trong trạng thái cành giác cao độ, Chính phủ Nhật Bản chỉ cho phép họ ra, vào một vài hải cảng với mục đích duy nhất là thương mại.
     Tuy nhiên, sau đó, nhu cầu học hỏi văn minh phương Tây đã làm người Nhật nới lỏng chính sách cấm du nhập văn hoá phương Tây vào trong nước. Vì vậy, tới đầu thế kỉ XVIII, sách báo và công nghệ phương Tây đã đóng vai trò đáng kể trong sự nghiệp công nghiệp hoá ở Nhật Bản. Sang đến thế ki XIX, chính sách tự cô lập của Nhật Bản đã không thể tiếp tục duy trì và Nhật Bản buộc phải kí những hiệp ước bất bình đẳng với một số cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Hà Lan, theo đó Nhật Bản phải từ bỏ quyền đánh thuế nhập khẩu, phải cho phép người nước ngoài định cư ở những thành phố nhất định để tự do buôn bán và cho phép các nước nói trên đặt lãnh sự quán ở Nhật Bản…
      Thời Minh Trị, cơ cấu cổ xưa của xã hội Nhật Bản đã biến mất do sự tái thiết một cách hoàn toàn xã hội Nhật Bản: nhà nước dân chủ phương Tây đã được thiết lập thay thế cho nhà nước phong kiến trước đây và sự phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng đã đặt Nhật Bản vào vị trí hàng đầu của các quốc gia thương mại trên thế giới. Tư tưởng pháp lí, văn bản pháp luật và dường như toàn bộ xã hội Nhật Bản trong giai đoạn này đã bị Âu hoá. Để hiện đại hoá pháp luật, người Nhật cho rằng việc pháp điển hoá và ban hành hàng loạt bộ luật sẽ dễ dàng gặt hái thành công hơn là việc quay sang tiếp nhận common law. Vì vậy, từ cuối thập kỉ thứ 6 của thế kỉ thứ XIX, các bộ luật của Pháp và Đức và một số cường quốc ở châu Âu đã được biên dịch ở Nhật Bản. Các Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự của Nhật đều được soạn thảo dựa trên khuôn mẫu của Pháp; Bộ luật dân sự, luật tố tụng dân sự và luật tổ chức hệ thống toà án của Nhật được ban hành dựa vào kinh nghiệm của một số nước châu Âu trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất từ luật của Đức… Nói cách khác, hệ thống pháp luật của các nước phương Tây đã trở thành hình mẫu cho hệ thống pháp luật Nhật Bản trong giai đoạn này.


0 nhận xét: